TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM THÁI BÌNH TRONG

DÒNG CHẢY LỊCH SỬ 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Bối cảnh thành lập trường

Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân Pháp dùng để cai trị chúng ta. Hơn 95% đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở chiến dịch chống nạn mù chữ”. Đề nghị của Bác được Hội đồng Chính phủ thông qua. Ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chính phủ đã ký ba sắc lệnh về Bình dân học vụ: Thành lập Nha Bình dân học vụ; Mọi làng phải có lớp học Bình dân buổi tối; Cưỡng bách học chữ quốc ngữ không mất tiền.

Thời điểm năm 1945, Thái Bình là một tỉnh thuần túy nông nghiệp, vừa trải qua nạn đói lịch sử, chết rất nhiều người, nhiều thôn làng điêu tàn, nhân dân càng thấm thía sự tàn ác của chế độ thực dân phong kiến, tinh thần cách mạng càng dâng cao, nhiệt liệt hưởng ứng cuộc Cách mạng do Đảng, Bác Hồ dẫn đường.

Thực hiện sắc lệnh của Hội đồng Chính phủ, phong trào chống nạn mù chữ ở Thái Bình rất sôi nổi. Từ năm 1945 đến 1949, các lớp học được hình thành ở nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Lớp học vỡ lòng có ở hầu khắp các thôn làng, các lớp học từ 1 - 4 được thành lập ở nhiều xã, huyện, tạo cơ hội học tập cho người dân. Chỉ trong một thời gian ngắn nhiều làng xã đã thanh toán nạn mù chữ. Năm 1948, huyện Quỳnh Côi đã sớm được công nhận huyện thanh toán nạn mù chữ, được Bác Hồ gửi thư khen và sau đó (1949) được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Khi quân đội Pháp đánh chiếm các tỉnh lân cận, nhiều nhà giáo tản cư về Thái Bình, tận dụng hoàn cảnh ấy, một số địa phương đã mở các trường Thành trung dạy các lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam … Khi quân đội Pháp tấn công sang tỉnh Thái Bình, phong trào cách mạng của tỉnh chuyển hướng, tập trung vào chống Pháp, giải phóng cho quê hương.

Vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, những vùng chiến tranh du kích trong tỉnh được mở rộng. Tại đây, một số lớp học lại được tiến hành. Ngay cả vùng địch tạm chiếm, bằng đấu tranh hợp pháp, nhân dân vẫn mở được lớp học. Từ năm 1952, vùng chiến tranh du kích mở rộng. Một số trường cấp II lần lượt được thành lập của những huyện có điều kiện. Giáo viên hầu hết được điều động đến từ các vùng tự do (chủ yếu là Khu IV), đưa vào địch hậu để hoạt động. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được thiết lập ở miền Bắc, tỉnh Thái Bình tiếp tục tập trung sức lực vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Phong trào Bình dân học vụ hoạt động sôi nổi. Hệ vỡ lòng do nhân dân tự tìm thầy mở lớp hình thành ở khắp mọi nơi. Trường cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4) được thành lập ở tất cả các xã (Thái Bình lúc đó có khoảng 190 xã), tuy nhiên tỉ lệ học sinh đi học còn ít. Xã đông dân nhất, trường học cũng chỉ có 1 lớp 4, 1 hoặc 2 lớp 3 và các lớp 1, lớp 2. Giáo viên quốc lập được điều động từ các trường Sư phạm thuộc khu Tả Ngạn, khu Học xá Trung ương, khu IV giảng dạy các lớp cuối cấp, giáo viên danh dự (thanh niên có trình độ văn hóa từ cấp I trở lên) giảng dạy các lớp 1, 2. Đến cuối năm 1954, Thái Bình có bốn trường cấp II. Đó là các trường cấp II Nam Vũ Kiến, Tiền Hải, Thái Ninh, Tiên – Duyên - Hưng. Dần dần, các trường cấp II được thành lập ở tất các đơn vị cấp xã, cứ một đơn vị xã có một trường cấp II.

Từ năm 1956 (cuộc Cải cách giáo dục lần thứ 2), các giáo viên danh dự được chuyển thành giáo viên dân lập. Như vậy trong các trường cấp I lúc này có hai loại giáo viên: Giáo viên quốc lập (giáo viên chủ yếu dạy lớp 3, lớp 4 và một số giáo viên lưu dung (tiếp thu giáo viên trước đây dạy trong vùng địch kiểm soát) do Nhà nước trả lương; giáo viên dân lập được trả lương bằng thóc do học sinh đóng góp.

Giáo viên cấp I, cấp II được điều động về giảng dạy ở tỉnh Thái Bình đa số từ Bộ Giáo dục, với số lượng có hạn. Nhu cầu học tập của người Thái Bình ngày một tăng dần, đội ngũ giáo viên không thể đáp ứng đủ. Thiếu người dạy, thiếu trường học (đặc biệt là các trường cấp II, cấp III) đặt ra vấn đề lớn cho tỉnh phải có giải pháp để phát triển giáo dục, duy trì truyền thống hiếu học, tạo cơ hội học tập cho người dân. Từ đó, bắt đầu hình thành các cơ sở đào tạo giáo viên cho tỉnh.

2. Thành lập các trường Sư phạm

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, trước nhu cầu cấp bách về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị những cơ sở ban đầu cho việc hình thành trường sư phạm. Ti Giáo dục lựa chọn các giáo viên khá giỏi bồi dưỡng cho giáo viên lớp vỡ lòng, lớp 1, lớp 2 bằng các lớp học sư phạm cấp tốc vào dịp hè để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học. Trường Sư phạm Sơ cấp được chính thức thành lập năm 1959 có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cấp I. Từ đây trở đi, giáo viên cấp I được đào tạo và bồi dưỡng hoàn chỉnh, từng bước Thái Bình tự cung cấp được giáo viên cấp I cho nhu cầu trong tỉnh. Đến năm 1962, trường có thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mẫu giáo với thời gian 3 tháng.

Cũng vào năm 1959, Bộ Giáo dục thành lập trường Trung cấp Sư phạm Thái Bình (trực thuộc Bộ), đặt tại thị xã Thái Bình. Trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp II hệ 7+2 và bồi dưỡng một số giáo viên cấp I thành giáo viên cấp II. Học viên tốt nghiệp khóa học đầu tiên (1959 - 1961) hầu hết được Bộ giáo dục phân công đi công tác ở miền núi phía Bắc. Những khóa học sau, trường chủ yếu đào tạo giáo viên cấp II cho tỉnh Thái Bình. Năm học 1961 – 1962, Trường mở thêm hệ Sư phạm cấp II bổ túc văn hóa, đào tạo giáo viên cấp II dạy bổ túc văn hóa (gọi là Phân hiệu 2). Giai đoạn 1964 - 1967, Trường Sư phạm Sơ cấp và Phân hiệu Sư Phạm cấp II bổ túc văn hoá được hợp nhất thành Trường Bồi dưỡng cán bộ và giáo viên do tỉnh quản lí. Trong kháng chiến chống Mĩ, bộ phận Trường Trung cấp Sư phạm do Bộ quản lí sơ tán về Vũ Lạc (Kiến Xương), sau về Hưng Nhân (Hưng Hà), tiếp đó về Hà Nam, rồi trở thành Khoa cấp II của Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cuộc kháng chiến chống Mĩ ở miền Bắc ngày càng đi vào giai đoạn quyết liệt. Chiến tranh phá hoại bằng không quân của quân đội Mĩ mở rộng với mưu đồ biến miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá để cứu vãn thất bại của chúng ở miền Nam. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học phải sơ tán, phân tán, thích ứng với tình hình thời chiến. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, nhu cầu học tập lớn đặc biệt là trình độ cấp II, các trường sư phạm vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, nỗ lực đáp ứng nhu cầu về đội ngũ giáo viên trong tỉnh và ngoài tỉnh. Năm 1967, Trường Bồi dưỡng cán bộ và giáo viên phát triển và thành lập nhiều trường theo cấp học: Sư phạm mẫu giáo, Sư phạm cấp I, Sư phạm cấp II và Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên. Các trường Sư phạm cấp I gồm: Sư phạm cấp I A (đặt tại xã Đông Phương, huyện Đông Hưng), Sư phạm cấp I B (đặt tại xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương). Các trường Sư phạm đào tạo giáo viên cấp II gồm: Sư phạm cấp II A đào tạo giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, đặt tại xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, những năm 1972 – 1973 sơ tán về Đông Long (Tiền Hải); Sư phạm cấp II B đào tạo giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, đặt tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, sau sơ tán về Đông Minh (Tiền Hải); Sư phạm cấp II C đào tạo lại giáo viên cấp II hệ 10+1 lên trình độ tương đương 10+3, đặt tại xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, rồi sơ tán về Thái Đô (Thái Thụy). Trong thời gian này còn thành lập thêm trường Sư phạm cấp II D nhằm đào tạo giáo viên chi viện cho miền Nam, đặt tại xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, nhưng sau đó giải thể. Trường Sư phạm cấp II bổ túc văn hóa, đặt tại xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ. Tổng số trường Sư phạm các cấp ở Thái Bình thời điểm cao nhất là 9 trường, bao gồm: trường Sư phạm Mẫu giáo, 2 trường Sư phạm đào tạo giáo viên cấp I, 4 trường Sư phạm đào tạo giáo viên cấp II, trường Bồi dưỡng cán bộ giáo viên và trường Sư phạm đào tạo giáo viên bổ túc văn hoá.

Quá trình phát triển đến năm 1974, các trường Sư phạm được tập hợp lại theo các hệ đào tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Thái Bình. Có trường được giữ nguyên (Trường Sư phạm Mẫu giáo), có một số trường phải giải thể (Trường Sư phạm cấp II D, Trường Sư phạm cấp II bổ túc văn hoá), một số trường được hợp nhất: hai trường Sư phạm cấp I sáp nhập thành một trường và nâng dần hệ đào tạo thành Trung học hoàn chỉnh, sau đó thành trường Trung học Sư phạm 10+2; các trường Sư phạm cấp II còn lại hợp nhất thành một trường Sư phạm 10+3 với nòng cốt là Trường Sư phạm cấp II C.

Từ năm 1977, Trường Sư phạm 10+3 chuyển trụ sở về phường Quang Trung (nay thuộc thành phố Thái Bình). Năm 1978, sau quá trình phấn đấu, trường được Bộ Giáo dục công nhận là trường Cao đẳng Sư phạm, 1 trong 16 trường Cao đẳng Sư phạm đầu tiên của cả nước.

3. Sự trưởng thành của trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình

Kể từ khi thành lập các trường tiền thân đến nay (1959 - 2019), đặc biệt là từ khi mang tên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình (1978), Trường không ngừng lớn mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo, đội ngũ cán bộ giảng viên, các hệ đào tạo… Thương hiệu nhà trường liên tục được khẳng định. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lí và đổi mới Ngành Sư phạm, các trường sư phạm lần lượt sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình: Trường Trung cấp Sư phạm (1997); Trường Cán bộ quản lí giáo dục (2004); Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non (2013). Dù sáp nhập nhiều lần, nhưng tên trường không thay đổi. Mỗi lần sáp nhập, Trường thêm một nhiệm vụ đào tạo của cơ sở mới sáp nhập và nâng chuẩn lên trình độ cao đẳng. Đến nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình đảm nhiệm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng cán bộ quản lí giáo dục từ bậc học mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh; liên kết với các trường đại học, đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên các cấp; mở rộng đào tạo giáo viên cho các tỉnh bạn từ miền núi phía Bắc cho đến Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…

60 năm qua, các thế hệ nhà giáo trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình không ngừng truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò, để khi ra trường, họ trở thành những thầy cô giáo giỏi, góp công sức to lớn vào công cuộc phát triển giáo dục cho tỉnh Thái Bình, cho đất nước Việt Nam với nhiều thành tích đáng tự hào. Trên khắp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở Thái Bình, đâu đâu cũng có giáo viên được đào tạo từ cái nôi Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Ở đâu, họ cũng là những giáo viên mẫu mực, cốt cán, có cống hiến lớn cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, dù đi theo đúng nghề giáo hay làm công việc khác, vẫn luôn giữ được cốt cách của nhà giáo, điều mà họ được học tập, rèn luyện ở chính mái trường này và quan trọng hơn, họ luôn tự hào về điều đó.

Hiện tại, trường vẫn tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở cho tỉnh Thái Bình và các tỉnh trên toàn quốc đạt chuẩn và trên chuẩn. Những năm gần đây, số lượng người học ngành sư phạm trong cả nước nói chung, ở trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình nói riêng, giảm đi đáng kể do cơ chế mở rộng các cơ sở đào tạo sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn nhu cầu của Ngành Giáo dục. Song, dự báo trong tương lai gần, nhu cầu giáo viên cho các cấp học mầm non, phổ thông sẽ gia tăng trở lại, bù đắp cho số giáo viên đến tuổi nghỉ hưu. Điều đó cho thấy rất cần phải duy trì và phát triển trường sư phạm. Tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường vẫn vững tâm tiếp nối truyền thống 60 năm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, kiên trì giữ vững thương hiệu, đồng thời không ngừng đổi mới để hội nhập và phát triển, đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những năm tới, trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách trước công cuộc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn sẽ có nhiều cơ hội để nhà trường bứt phá, khẳng định sức mạnh tiềm tàng, sức mạnh được hun đúc từ bề dày truyền thống tốt đẹp trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên qua 60 năm xây dựng, phát triển. Nếu tất cả cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên trong toàn trường đồng lòng, nhất trí, say mê, sáng tạo trong lao động, học tập; nếu được các cấp chính quyền, địa phương, nhân dân luôn sát cánh, ủng hộ, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình sẽ viết tiếp những trang sử mới, vì sự nghiệp giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, là tương lai của dân tộc.